Những chia sẻ thú vị về ngành nghề luyện kim
Đó chính là công nghệ luyện kim, công nghệ tinh luyện, công nghệ hợp kim hóa, công nghệ đúc và công nghệ cán… Đây chính là ngành luyện kim mà các bạn đang tìm hiểu.
Luyện kim là một ngành công nghiệp rộng lớn, phức tạp và còn non trẻ ở nước ta. Việt Nam nằm trong số mười nước giàu tài nguyên khoáng sản, nhưng chủ yếu đang ở dạng tiềm năng, chưa được thăm dò, khảo sát đầy đủ. Chúng ta đã thấy có các mỏ sắt, mangan, crôm, nhôm, đồng, chì kẽm, thiếc, titan, wonfram, vàng, bạc…
Có bao nhiêu loại quặng thì ít nhất có bấy nhiêu phương pháp giải phóng các kim loại ấy ra khỏi các quặng chứa chúng. Tiếp đó phải tinh luyện để các kim loại đạt được độ sạch cao, pha trộn giữa các kim loại đó để có các hợp kim đáp ứng được những yêu cầu mong muốn và tạo hình dáng cho chúng phù hợp với các nhu cầu sử dụng. Đó chính là công nghệ luyện kim, công nghệ tinh luyện, công nghệ hợp kim hóa, công nghệ đúc và công nghệ cán… Đây chính là ngành luyện kim mà các bạn đang tìm hiểu.
Sau khi có được kim loại và hợp kim, các nhà luyện kim còn làm thay đổi được cấu trúc và tính chất của chúng để các sản phẩm được chế tạo ra đáp ứng được những yêu cầu ngày càng đa dạng của cuộc sống, của nền kinh tế và quốc phòng.
Công việc chính của người làm trong ngành luyện kim:
Công việc của người làm trong ngành luyện kim rất đa dạng và chuyên môn hóa vào các lĩnh vực khác nhau. Bạn có thể là nhà nghiên cứu, kỹ sư luyện kim, kỹ thuật viên hay nhà quản lý, nhà tư vấn và chuyển giao công nghệ v.v… Tuy nhiên, tựu trung lại, người làm trong ngành luyện kim sẽ tham gia vào một hoặc một vài trong những công việc sau:
– Thiết kế nhà máy và các thiết bị luyện kim
– Lập các quy trình công nghệ và điều hành các quy trình đó để sản xuất ra các kim loại và hợp kim như: gang, thép, đồng, nhôm, vàng, bạc, các ferrô hợp kim…
– Nghiên cứu công nghệ luyện kim phi cốc và các công nghệ mới cho tương lại.
– Tạo hình các vật liệu kim loại: thép tấm, thép hình, thanh, chi tiết máy, tượng đài, các chi tiết lớn liền khối trong chế tạo tàu thủy, máy bay…
– Làm thay đổi cấu trúc, tính chất theo yêu cầu.
– Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ và thiết bị luyện kim tiên tiến, hiện đại.
– Nghiên cứu mô hình hóa các quá trình luyện kim
– Điều khiển các quá trình luyện kim bằng máy tính theo chương trình.
– Nghiên cứu tính chất luyện kim và sử dụng tối ưu nguồn tài nguyên thiên nhiên.
– Nghiên cứu tinh luyện, hợp kim hóa và xử lý nhiệt để sản xuất kim loại siêu sạch, siêu mịn và siêu bền.
– Nghiên cứu chế tạo các hợp kim đặc biệt và hợp kim chuyên dụng: Bền nóng, bền ăn mòn, chịu mài mòn, chịu va đập, chịu tải lớn, từ tính cao và phi từ, dẫn nhiệt, dẫn đện tốt và các nhiệt, cách điện, lành tính cho y tế, chống rung trước dao động, ghi nhớ hình cho kỹ thuật cao…
– Nghiên cứu các công nghệ xử lý chất thải và bảo vệ môi trường.
Điều kiện làm việc và cơ hội nghề nghiệp:
Trong ngành luyện kim, các bạn sẽ làm việc ở các nhà máy luyện kim (đã và đang xây dựng) ở TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Nguyên, Lào Cai, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng…
Ngoài ra, còn có các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu như: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng Cơ khí luyện kim (Thái Nguyên), Đại học Công nghiệp, Viện Luyện kim đen, Viện Công nghệ, Viện nghiên cứu mỏ và luyện kim, Viện công nghệ Bộ Quốc phòng…
Phẩm chất và năng lực cần thiết:
– Giỏi các môn khoa học tự nhiên, đặc biệt là hóa học, vật lý
– Yêu thích ngành luyện kim
– Có khả năng tư duy và phán đoán tốt.
– Thích tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo.
Một số địa chỉ đào tạo:
Bạn có thể học ngành luyện kim tại nhiều trường đại học, cao đẳng công nghệ, kỹ thuật trong cả nước như: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa TP. HCM, Trường Cao đẳng Cơ khí luyện kim, Cao đẳng nghề Cơ điện – Luyện kim Thái Nguyên v.v…
Leave a Reply