Những bí quyết phỏng vấn để tuyển dụng người tài
Nhấn mạnh những khả năng ứng viên có thể tiếp nhận được tại vị trí công việc mới là điều quan trọng trong khâu tuyển dụng.
Sự thành công của buổi phỏng vấn không chỉ gói gọn trong những câu hỏi sâu về chuyên môn. 6 lưu ý được chia sẻ trên INC dưới đây sẽ giúp các giám đốc nhân sự hiểu được cách thức tuyển dụng và xây dựng một đội ngũ nhân viên mạnh.
1. Đặt ra tiêu chuẩn cao
Những ứng viên giỏi nhất thường mong đợi một cuộc phỏng vấn sâu mà trong đó các câu hỏi có thể giúp nêu bật lên những điểm mạnh của họ và đáp ứng một cách rõ ràng những yêu cầu từ phía nhà tuyển dụng.
Những câu hỏi này bên cạnh xác định các ứng viên tiềm năng, chúng còn chứng minh cho ứng viên thấy tiêu chuẩn tuyển dụng của doanh nghiệp.
Những câu hỏi hời hợt, chủ quan hoặc vướng lỗi lập luận sẽ làm ứng viên đánh giá không tốt về đơn vị tuyển dụng.
2. Đặt câu hỏi gợi mở
Đặt câu hỏi về thành tích ấn tượng nhất sẽ là cách tốt để so sánh kinh nghiệm trong quá khứ của ứng viên so với đòi hỏi của công việc hiện tại. Bằng cách kể lại thành tích tốt nhất của mình, ứng viên sẽ cảm thấy phấn khích. Đây là kỹ thuật đẩy cảm xúc của ứng viên.
Sau đó, nhà tuyển dụng có thể bày tỏ quan ngại về khoảng cách giữa kinh nghiệm này so với yêu cầu của công việc hiện tại. Lúc này, ứng viên sẽ ra sức thuyết phục bạn về khả năng của họ. Trong phỏng vấn, đây là kỹ thuật gợi mở cho ứng viên bày tỏ bản thân.
3. Thể hiện khả năng lãnh đạo và quản lý
Những ứng viên giỏi luôn kỳ vọng tìm được người vừa quản lý vừa là chuyên gia giúp họ phát triển khả năng bản thân. Vì vậy, để tuyển được các ứng viên này, đại diện đơn vị tuyển dụng phải chứng minh được khả năng nhận biết điểm mạnh của ứng viên, phác thảo con đường phát triển sự nghiệp tương lai.
Nhấn mạnh những khả năng ứng viên có thể tiếp nhận được tại vị trí công việc mới là điều quan trọng trong khâu tuyển dụng.
4. Để ứng viên gặp những nhân sự giỏi
Cách tốt nhất để chứng minh cho ứng viên thấy nhà tuyển dụng có thể tuyển và phát triển sự nghiệp cho những nhân sự giỏi là để cho ứng viên trực tiếp gặp họ.
5. Duy trì thông tin tích cực
Kết thúc buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng có thể cho ứng viên biết họ là một trong số ít ứng viên cuối cùng đang được cân nhắc.
Nếu bạn kết thúc trong lấp lửng, ứng viên sẽ suy nghĩ nhiều hơn về lý do họ không thích công việc này để giảm thiểu hy vọng. Trong trường hợp này, bạn rất dễ nhận được lời từ chối nếu ứng viên đạt yêu cầu.
Điều bạn cần làm là giảm thiểu các suy nghĩ tiêu cực và tăng mạnh những suy nghĩ tích cực để giữ chân ứng viên lâu hơn.
6. Kiên nhẫn
Tuyển dụng người giỏi không phải là một giao dịch, thực hiện đầy đủ các bước một cách nhanh chóng sau đó sẽ có được ứng viên.
Quá trình này cần thời gian để các ứng viên, nhất là những cá nhân chưa sẵn sàng chuyển việc, suy nghĩ. Trong lúc đó, nhà tuyển dụng cần kiên nhẫn thuyết phục ứng viên. Nóng vội sẽ chỉ làm hỏng mọi chuyện.
Leave a Reply